Trong cuộc sống hiện đại ngày nay có sự đồng hành cùng internet và mạng xã hội, nên chúng ta thường xuyên bắt gặp những trường hợp phụ huynh chia sẻ ‘bài văn bá đạo’ của con mình lên mạng xã hội. Phần lớn những bài văn được chia sẻ đều là những ‘áng văn chương’ đầy ắp tính sáng tạo và ngây thơ của con trẻ khiến dân mạng cười nghiêng ngả.
Vậy nhưng, trong 1 bài văn được chia sẻ mới đây, thứ khiến dân mạng buồn cười nhất lại là sự ‘nhầm lẫn’ nghiêm trọng của em học sinh lớp 6. Mặc dù đã học cấp 2 nhưng bài viết tả con vật của em lại ‘cực kì lạ’ khiến cô giáo thẳng tay chấm 0 điểm và để lại lời phê bình đầy ‘cảm thán’.
Cụ thể, dân mạng đang truyền tay nhau bài văn tả con vật yêu thích nhất của một bé lớp 6 bị cô giáo chấm 0 điểm thẳng tay.
Theo đó, khi được cô giáo giao bài làm văn với chủ đề trên, học sinh này đã lựa chọn con trâu là đối tượng xuất hiện xuyên suốt tác phẩm của mình. Cụ thể bé lớp 6 đã miêu tả như sau:
“Nhà em có nuôi 1 con trâu, nó thật đáng yêu. Nó đã hơn 1 tháng tuổi và thật dễ thương. Nó cũng rất lớn đấy, tầm khoảng 7 cân rồi đó. Hằng ngày mẹ thích xích nó vào cái ghế. Nó cứ hay đòi ăn, kêu chút chút. Trên đầu nó có 1 bông hoa nhìn rất xinh xinh. Đôi mắt nó rất sáng, khuôn mặt nó tròn vo. Thấy em đi học về nó cứ nhảy lên lưng em. Em thường hay ngủ với nó. Em rất yêu con trâu nhà em vì nó là thú cưng của em“.
Không chỉ cô giáo, mà có lẽ ai đọc xong bài văn này cũng sẽ vừa sốc vừa buồn cười. Thậm chí, một số dân tình còn nghi ngờ không biết bé học sinh này có tả lộn con vật nào không, vì con trâu này lạ quá, làm gì có thật ngoài đời. Bảo sao cô giáo sau khi nhận được sản phẩm của nhóc tỳ, liền cho “quả trứng gà” tròn trĩnh, đến mức cô còn phải viết lời phê tỏ rõ sự bất lực trước bài văn quá bá đạo của học sinh: “Cô dám khẳng định em chưa thấy con trâu ngoài đời bao giờ”.
Thực tế, bài văn này đã từng gây xôn xao thời gian trước, nay bỗng viral trở lại và lần nào cũng lấy đi tiếng cười như nắc nẻ của bao người.
Mặc dù, bài văn của đứa trẻ có nhiều điểm vô lý với thực tế, nhưng quả thật tác phẩm này lại có giá trị về mặt giải trí khá cao, nhiều người được phen cười ngất trước những câu từ ngô nghê, hồn nhiên của bạn nhỏ. Xét về nội dung là chưa đạt yêu cầu, và việc cô giáo cho điểm thấp cũng không có gì khó hiểu, tuy nhiên cần ghi nhận sự sáng tạo, trí tưởng tượng phong phú của nhóc học sinh trong trường hợp này.
Yêu cầu của bài văn miêu tả đối với học sinh lớp 6
Văn miêu tả là một trong những dạng bài tập cơ bản và quan trọng đối với học sinh lớp 6. Dạng bài này không chỉ giúp các em rèn luyện khả năng quan sát, tư duy mà còn phát triển khả năng biểu đạt qua ngôn ngữ viết. Dưới đây là những yêu cầu quan trọng khi viết bài văn miêu tả mà học sinh lớp 6 cần lưu ý.
1. Hiểu rõ đối tượng miêu tả
Học sinh cần xác định rõ đối tượng sẽ được miêu tả: người, cảnh vật, con vật hay sự vật. Đối tượng cần được lựa chọn cụ thể, không quá rộng để tránh tình trạng bài văn lan man, thiếu tập trung.
Ví dụ: Thay vì chỉ miêu tả “một ngôi nhà”, học sinh có thể chọn “ngôi nhà nhỏ bên bờ sông quê em”.
2. Rèn luyện kỹ năng quan sát
Quan sát là kỹ năng quan trọng để bài văn miêu tả trở nên sinh động và chân thực. Học sinh cần chú ý đến các chi tiết nổi bật của đối tượng: màu sắc, hình dáng, âm thanh, mùi hương, cảm giác…
Ví dụ: Khi miêu tả một cây phượng, học sinh nên chú ý đến cành lá, sắc đỏ của hoa, tiếng ve râm ran bên tán lá.
3. Sử dụng ngôn ngữ sinh động, giàu hình ảnh
Ngôn ngữ trong bài văn miêu tả cần biểu cảm, sử dụng nhiều từ ngữ gợi tả để giúp người đọc hình dung được đối tượng. Các biện pháp tu từ như so sánh, nhân hóa, ẩn dụ nên được vận dụng hợp lý để tăng sức hút.
Ví dụ: “Cây bàng già như một người bạn thân thiết, luôn dang rộng cánh tay chở che lũ học trò nhỏ mỗi trưa hè.”
4. Tuân thủ bố cục bài văn
Một bài văn miêu tả phải có bố cục rõ ràng, gồm ba phần:
Mở bài: Giới thiệu đối tượng miêu tả và cảm xúc ban đầu của người viết.
Thân bài: Miêu tả chi tiết các đặc điểm của đối tượng, theo trình tự hợp lý (từ ngoài vào trong, từ khái quát đến cụ thể…).
Kết bài: Đưa ra cảm nghĩ cá nhân về đối tượng.
5. Trình bày theo trình tự logic
Bài văn cần sắp xếp các ý tả theo một trình tự logic, tránh miêu tả lộn xộn khiến người đọc khó hiểu. Học sinh có thể lựa chọn miêu tả theo không gian, thời gian hoặc cảm xúc.
6. Thể hiện cảm xúc chân thật
Một bài văn miêu tả hay không chỉ đơn thuần là liệt kê đặc điểm mà còn cần lồng ghép cảm xúc, suy nghĩ của người viết. Điều này giúp bài văn gần gũi và để lại ấn tượng sâu sắc hơn.
7. Không lạm dụng sự tưởng tượng
Dù văn miêu tả khuyến khích sáng tạo, học sinh lớp 6 cần chú ý không miêu tả vượt xa thực tế, tránh làm mất tính chân thực của bài viết.