Cứ chửa rồi sinh suốt 30 năm, vợ chồng ông bà ở Yên Bái giờ có cả trăm cháu chắt. Mỗi lần họp gia đình như cả làng có hội.

Theo Pháp luật & Bạn đọc ngày 24/04/2022 có bài viết với tiêu đề: “Cụ bà xô đổ kỷ lục ở Việt Nam, sinh 18 người con, có cả trăm cháu chắt, không nhớ nổi tên”. Nội dung như sau:

Cứ chửa rồi sinh suốt 30 năm, vợ chồng ông bà ở Yên Bái giờ có cả trăm cháu chắt. Mỗi lần họp gia đình như cả làng có hội.

Lên mạn ngược ngàn huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái hỏi ông bà Lò Văn Khiên (89 tuổi) và bà Lò Thị Ương (88 tuổi) ở bản Hát 2, xã Hát Lìu thì cả huyện đều biết. Dù sinh sống ở nơi vùng cao hẻo lánh nhưng vợ chồng ông Khiên lại nổi tiếng vô cùng vì câu chuyện sinh gần 20 người con.

Nhiều năm trước, chuyện bà Ương sinh được 18 người con (9 trai, 9 gái) được báo đài đưa tin “rần rần”. Đây được xem là “kỷ lục” sinh nở ở Việt Nam khiến dư luận không khỏi hiếu kỳ. Đến nay, con cháu rồi chắt của vợ chồng bà Ương đã có hơn trăm người. Cứ mỗi dịp cả nhà sum họp, ai mà không biết cứ ngỡ gia đình đang mở tiệc mời cả làng đến dự.

Vợ chồng ông Khiên bà Ương sống vui sống khỏe những năm tháng về già (Ảnh: Báo Yên Bái)

Sinh 3 năm 2 đứa, bà Ương đẻ đến lúc “hết trứng” thì thôi

Bà Ương là người dân tộc Thái. Hồi thiếu nữ, bà Ương nổi tiếng xinh đẹp, thêu thùa giỏi nhất bản. Trai làng xếp hàng dài săn đón. Trong số đó có cả ông Khiên.

Khi đến tuổi dựng vợ gả chồng, ông Khiên mạnh dạn đến nhà tán bà Ương rồi cả hai nên duyên nên nợ. Thời điểm lập gia đình bà Ương mới 17 còn ông Khiên độ 18 tuổi.

Lấy nhau được 1 năm, bà Ương sinh con trai đầu lòng. Hồi đó, ông Khiên theo học cái chữ tối ngày, vừa đẻ chưa đầy tháng bà đã địu con lên rẫy. Sau đó, cứ 3 năm 2 đứa. Đến khi tròn 48 tuổi bà đã vượt cạn 18 lần thành công. Con trai lớn của vợ chồng ông Khiên sinh năm 1956, con út sinh năm 1990.

Ông Khiên nổi tiếng vì có số lượng con cái “khủng”

Đẻ nhiều nhất nhì vùng sơn cước, ông Khiên chia sẻ đó cũng chỉ là điều bất đắc dĩ: “Đẻ đến người con thứ 10 ông bà đã thống nhất dừng lại thôi nhưng vỡ kế hoạch nên thành nhiều đến thế. Không có biện pháp tránh thai gì cả, cứ chửa rồi đẻ đến khi không đẻ được nữa thì mới thôi“.

Nhà đông con, cái nghèo cái đói đeo bám vợ chồng bà Ương suốt tháng năm dài. Lo cho 18 miệng ăn là cả một hành trình cực khổ trần ai. Vì đông con quá, nên mỗi lần gọi các con về ăn cơm bà Ương phải gõ mõ hay ra dấu thay vì gọi tên từng đứa một.

Từng kể về việc sinh nở của mình, bà Ương tiết lộ do mẹ chồng là người giỏi bốc thuốc. Là con dâu bà cũng ít nhiều được truyền lại một số bài thuốc bổ cho người bầu. Có lẽ vì thế mà bà đẻ tốt, 18 người con một mình bà tự sinh ở nhà, không ra trạm xá hay bệnh viện gì cả.

Hai ông bà có với nhau 18 mặt con, tất cả đều 1 tay bà Ương nuôi nấng, dạy bảo. Còn ông Khiên bận lo việc “hàng tổng”. Sau khi học được cái chữ, ông được phân công làm thầy giáo dạy xóa mù. Ở đất vùng cao này, ông Khiên là người có thành tích, trình độ vô cùng ấn tượng. Năm 1967, ông tham gia làm cán bộ xã, được kết nạp Đảng.

17/18 người con của vợ chồng ông Khiên

Vốn là người giác ngộ cách mạng từ sớm, ông nhận nhiều chức vụ ở xã. Từ Xã đội trưởng, Trưởng công an xã, Chủ tịch UBND xã, Bí thư Đảng ủy xã Hạnh Phúc (những năm huyện Trạm Tấu chưa thành lập),… Đến năm 1994, ông mới nghỉ hưu, tròn 38 năm công tác.

Chả thế mà trong căn nhà sàn, giấy khen, bằng khen và huy chương của ông Khiên được nhà nước trao tặng treo khắp nhà. Đây là tài sản quý giá nhất ông có được sau những năm tháng cống hiến.

Con đàn cháu đống, đông đến độ không nhớ nổi tên

Đúng là trời sinh voi sinh cỏ, 18 người con của ông bà theo năm tháng cũng sinh trưởng, trở thành công dân tiêu biểu. Nhiều người vươn lên thoát ly gia đình đi học làm cán bộ huyện, làm giáo viên, trong đó có người làm Trưởng phòng Nội vụ, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện. Tất cả đều đã lập gia đình, 9 cô con gái của ông lấy chồng xa, những người con trai ở lại bản.

Con đàn thì cháu đống. Ông bà Khiên, Ương có hơn 60 đứa cháu, hơn 40 đứa chắt nội, ngoại và các con dâu vẫn còn đang mang bầu, sắp sinh nở. Tính cả dâu rể, đại gia đình này có trên 100 người. Có lần ông Khiên phải thú nhận, đông con cháu quá nên ông bà không nhớ hết tên.

Trong năm, các con các cháu đi làm, đi học xa nên mỗi người mỗi ngã. Đến dịp lễ, tết đại gia đình mới có dịp hội tụ. Mỗi lần họp gia đình như thế cả con cháu phải gần 30 mâm.

Bà Ương 18 lần vượt cạn thành công

Gần 30 năm chửa đẻ, bà Ương giờ tuổi đã cao. Sức khỏe cũng không còn được như trước nữa. Cách đây 5 năm, bà bị tai biến, phải đi xe lăn. Dù không còn nhanh nhẹn như trước nhưng cứ mỗi bận có người đến hỏi chuyện con cái, bà vẫn nhớ rõ mồn một từng lần vượt cạn của mình.

Sau cùng bà Ương ngộ ra một điều “con đàn cháu đống” không sung sướng gì mà chỉ chuốc thêm nỗi khổ. Đến nay, bà vẫn khuyên con cháu “hãm lại” đẻ ít thôi “dù gái hay trai chỉ hai là đủ”. Có thế kinh tế mới ổn định, lo cho con cái tốt được.

Hiện bà đang sống với người con trai thứ 13. Tổng số 18 người con của ông bà giờ còn 16 vì 2 người đã mất (1 trai, 1 gái).

Tiếp sau đó, báo VNExpress ngày 28/6/2024 có bài viết: “Gia đình Hà Nội có hơn 300 thành viên”. Nội dung cụ thể:

Cứ đầu hè, 311 người trong đại gia đình ông Ngãi lại tổ chức lễ báo cáo thành tích học tập của con cháu và chuẩn bị cho chuyến du lịch chung của cả nhà.

“Có lẽ gia đình tôi đông con cháu nhất Hà Nội”, ông Nguyễn Văn Ngãi, 90 tuổi, ở phố Trương Định, quận Hoàng Mai nói. Ông là con thứ ba đồng thời là con trai trưởng của cụ ông Nguyễn Văn Đỉnh sinh năm 1910 và cụ bà Nguyễn Thị Sâm sinh năm 1914.

Vợ chồng cụ Đỉnh (tên thường gọi Ba Đỉnh) sinh được 10 con trai và 5 con gái. Khi những người con trưởng thành, lập gia đình, số thành viên liên tục tăng. Ngoài 30 người con (tính cả dâu, rể), cụ Đỉnh có 89 cháu, 129 chắt, 67 chút và 6 chít. Đến nay, trừ 12 người đã qua đời vì tuổi tác, đại gia đình vẫn còn 311 thành viên con cháu, dâu, rể.

Vợ chồng cụ Ba Đỉnh chụp cùng 14 con vào đầu những năm 1960, vắng con gái cả. Ảnh: Gia đình cung cấp

Vợ chồng cụ Ba Đỉnh chụp cùng 14 con vào đầu những năm 1960, vắng con gái cả. Ảnh: Gia đình cung cấp

Ở làng Tương Mai (phố Trương Định ngày nay), vợ chồng cụ Đỉnh nổi tiếng tháo vát nên cả 15 người con đều được ăn học đến hết lớp 10 (tương đương lớp 12 hiện nay).

Ông Ngãi kể các anh chị em đều được cha mẹ định hướng làm cán bộ, công nhân nhà nước. Ba người đã tốt nghiệp đại học, 6 người công tác trong các ngành nông nghiệp, kỹ sư cơ khí, giáo viên, ba người làm trong ngành đường sắt và ba người nhập ngũ tham gia kháng chiến chống Mỹ. Người con thứ năm là ông Nguyễn Văn Quý, sinh năm 1935, chiến đấu trong những chiến dịch ác liệt như Khe Sanh, Quảng Trị. Con thứ sáu là ông Nguyễn Văn Minh, sinh năm 1941, bộ đội xe tăng và người con thứ 11, ông Nguyễn Văn Hồng, sinh năm 1950, chiến đấu tại mặt trận 44 Quảng Đà (tỉnh Quảng Nam).

Đến nay các thế hệ cháu, chắt, chút, chít của gia đình tiếp nối truyền thống học hành, làm đa dạng trong các ngành nghề giáo dục, y tế, ngoại giao.

Chị Nguyễn Hồng Chuyên, 42 tuổi, cho biết ngày ông nội mất chị mới hai tuổi nên không nhớ được gì, nhưng ngày bà nội mất hội tụ đông đủ tất cả các thành viên. “Dòng người tiễn đưa kéo dài hết con phố. Gia đình phải thuê 24 chiếc xe 29 chỗ để chở các thành viên, họ hàng và hàng xóm đưa tiễn bà tôi xuống nghĩa trang”, chị kể.

15 người con (10 trai và 5 gái) của vợ chồng cụ Ba Đỉnh, làng Tương Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội, chụp năm 2005. Ảnh: Gia đình cung cấp

15 người con (10 trai và 5 gái) của cụ Ba Đỉnh ở quận Hoàng Mai, Hà Nội năm 2005. Ảnh: Gia đình cung cấp

Đại gia đình chủ yếu sống quây quần gần nhau trong làng Tương Mai nhưng công việc khác nhau nên khó tập trung toàn bộ. Hàng năm, cả nhà vẫn cố gắng tập hợp đông đủ vào hai dịp quan trọng nhất: ngày giỗ chung của hai cụ (giữa tháng 11 âm lịch) và ngày mừng thọ các ông bà đầu xuân. “Chỉ người trong nhà thôi mà mỗi lần phải bày 22-25 mâm cỗ”, chị Chuyên nói.

Trong các truyền thống của gia đình, anh Nguyễn Lê Tân, cháu đích tôn, cho biết trân trọng nhất là lễ mừng thọ đã diễn ra suốt 30 năm nay. Lễ này bắt đầu từ lúc bà nội tròn 80 tuổi. Từ đó hầu như mỗi năm đều có thêm các bác, chú, cô đến tuổi mừng thọ.

Trong lễ mừng thọ đầu năm nay, gia đình tổ chức tặng hoa, quà cho 6 ông bà vào các tuổi chẵn từ 70 đến 90. Các con, cháu biểu diễn âm nhạc, đố vui về các thành viên và truyền thống của gia đình.

Một trong những câu đố dành cho các chắt tại lễ mừng thọ năm nay là ai đọc được đúng tên, thứ tự 15 người con của hai cụ Ba Đỉnh sẽ được mừng tuổi một xấp đôla. “Tưởng không khó mà hóa ra khó không tưởng”, Ngọc Nam, một người chắt, học sinh chuyên THPT chuyên Ngoại ngữ cho biết.

Đại gia đình thường xuyên đi nghỉ hè cùng nhau. Như chuyến năm 2018 đi biển Hải Hòa (Thanh Hóa) thu hút 112 người, chuyến năm 2019 đi Hải Tiến (Thanh Hóa) có 136 người và chuyến năm 2022 đi Hạ Long có 148 người.

“Mỗi lần đi du lịch, chỉ cần thấy ‘cơn lốc màu da cam’ với đoàn xe 45 chỗ là không bao giờ lo bị lạc”, chắt Nguyễn Quang Huy, sinh viên Đại học Ngoại thương, cho biết.

“Mỗi lúc diện lên mình chiếc áo ấy, chúng con cảm thấy tự hào và hạnh phúc vì thuộc về một đại gia đình khổng lồ đầy ắp tiếng cười và yêu thương”, Hồng Trang, một người chắt mới đỗ vào lớp 10 chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn, chia sẻ thêm.

Lễ mừng thọ các cụ ông bà năm 2024 của 5 thế hệ hậu duệ của vợ chồng cụ Ba Đỉnh. Ảnh: Gia đình cung cấp

Lễ mừng thọ đầu năm 2023 với sự tham gia 5 đời hậu duệ của vợ chồng cụ Ba Đỉnh. Ảnh: Gia đình cung cấp

Tuy nhiên, khi các ông bà bước vào tuổi xế chiều, những tin buồn cũng xuất hiện nhiều hơn. Mỗi lần ai đó ốm đau, nhập viện hay qua đời đều được thông báo cho các con cháu biết để sắp xếp tham dự.

Anh Tân kể xúc động nhất là trong những ngày đầu xuân 2023, gia đình bất ngờ nhận tin dữ khi người con thứ 13, ông Nguyễn Văn Tuân bị đột quỵ. Đây là mở màn cho một cuộc chiến gian nan bởi sức khỏe của ông liên tục xấu đi, buộc phải trải qua hai ca phẫu thuật não, tiên lượng rất xấu.

Trong khó khăn ấy, đại gia đình đã thể hiện tinh thần đoàn kết. Các F2 và F3 gác lại công việc cá nhân để thay nhau túc trực bên ông, mỗi ca ba tiếng có hai người trông coi. Những thành viên trong ngành y dược tận dụng chuyên môn tìm kiếm bác sĩ giỏi và nguồn thuốc tốt nhất cho việc điều trị của ông. Những người khác cũng dành thời gian ở bên động viên bà dâu, vợ của ông Tuân.

Sau gần ba tháng, ông Tuân bình phục và được về nhà chăm sóc dù không đi lại được nữa.

“Các anh trai dành sự quan tâm đặc biệt cho ông 13. Anh cả, ông Ngãi 90 tuổi đi lại khó vẫn đến trò chuyện và động viên người em út của mình. Ông Thanh, anh thứ hai 88 tuổi và ông Hùng anh thứ sáu 77 tuổi cứ chiều chiều lại đến xoa bóp và trị liệu cho em”, anh Tân kể.

Để đại gia đình duy trì được nề nếp như ngày nay, ông Ngãi cho biết chính là nhờ vào nỗ lực bền bỉ giữ gìn sự đoàn kết và truyền thống gia đình từ những thế hệ đi trước. Ông luôn cập nhật gia phả và cẩn thận ghi chép lại những câu chuyện.

Tại từng gia đình hạt nhân và tam, tứ đại đồng đường, trong những bữa cơm thường bắt đầu bằng những câu chuyện “ngày xưa bố…”, “ngày xưa ông…”, để các con cháu biết và tự hào là một thành viên của đại gia đình cụ Ba Đỉnh.

Giờ đây, từ thế hệ F2 của anh Tân, chị Chuyên cho đến các chắt, chút và chít khác, đều mong chờ mỗi năm hai dịp được trở về ngôi nhà ở ngõ 232 Trương Định. Nơi đây hiện có 8 trong số 10 anh em trai sinh sống bên nhau.

“Trong ngày vui, tất cả quây quần ở một khoảng sân rộng, người lớn ôn lại những kỷ niệm, tụi nhỏ vài chục đứa nô đùa còn hơn pháo nổ càng thêm yêu thương và tự hào về gia đình mình”, anh Tân nói.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *