Hôm nay (3-12), TAND Cấp cao tại TP HCM tuyên án đối với bị cáo Trương Mỹ Lan, cựu Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, cùng 47 đồng phạm. Phiên xét xử thu hút sự quan tâm lớn từ dư luận khi bị cáo Lan đã bị tuyên án tử hình ở cấp sơ thẩm với các tội danh “Tham ô tài sản”, “Đưa hối lộ” và “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của tổ chức tín dụng”. Phiên phúc thẩm diễn ra với nhiều diễn biến bất ngờ, kéo dài đến phút cuối.
Căng thẳng trong tranh luận
Trước đó, phiên tòa dự kiến diễn ra từ ngày 4 đến 25-11 nhưng đã kéo dài do xuất hiện thêm nhiều chứng cứ, lời khai mới. Bào chữa cho bản thân, bị cáo Lan cho rằng kể từ khi bản án sơ thẩm được công bố, bị cáo không có đủ tài liệu để làm rõ số tiền bị cáo buộc chiếm đoạt, do hồ sơ vụ án quá lớn (hơn 6 tấn), khiến luật sư không thể sao chép hết. Khi được tiếp cận thêm tài liệu, bị cáo Lan “phát hiện” bị cáo buộc về việc chiếm đoạt số tiền dư nợ gốc của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), trong đó có khoản nợ gốc 125.000 tỉ đồng từ các khách hàng để lại trước khi SCB tái cơ cấu. Bị cáo Lan khẳng định những khoản vay này không liên quan đến bị cáo và không thể quy kết bị cáo chiếm đoạt.
Một tình tiết bất ngờ được bị cáo Lan đưa ra là bị cáo đã cho SCB mượn 3 tòa nhà trị giá khoảng 67.000 tỉ đồng để cơ cấu khoản nợ 65.000 tỉ đồng và yêu cầu tòa đối chất về việc SCB đã sử dụng số tiền này vào mục đích gì. Bị cáo Lan cho rằng để xác định thiệt hại thực sự, các tài sản thế chấp của SCB phải được thanh lý hoặc bán hết nhưng SCB chưa thực hiện điều này. Bị cáo lập luận rằng tổng tài sản của SCB hiện tại là 714.000 tỉ đồng, nếu trừ đi khoản tiền bị cáo buộc chiếm đoạt (hơn 673.000 tỉ đồng), thì không còn thiệt hại thực tế. Theo bị cáo Lan, “gốc rễ” vấn đề xuất phát từ việc SCB cung cấp số liệu không rõ ràng cho cơ quan điều tra, dẫn đến những quy buộc như bản án sơ thẩm đã tuyên. Đến nay, khi đã đưa ra xét xử phúc thẩm, dù được yêu cầu làm rõ nhưng SCB lại không cung cấp thêm thông tin.
Trong những lời bào chữa của mình, bị cáo Lan không chỉ xoáy sâu vào số liệu không rõ ràng mà còn bày tỏ khát vọng chuộc lỗi, mong muốn được đóng góp cho cộng đồng. Trong gần 30 phút nói lời sau cùng, bị cáo khẩn thiết xin HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt và đánh giá lại tội danh của mình, đặc biệt là thiệt hại vụ án. Bị cáo Lan chia sẻ nỗi tiếc nuối về những dự án quan trọng bị đình trệ và mong muốn có “cơ chế đặc biệt” để khắc phục hậu quả, trả nợ cho nhà nước. Bị cáo Lan cam kết dùng tài sản còn lại để hoàn thành các dự án thiện nguyện như xây bệnh viện, trường học, nhà ở xã hội và đầu tư hạ tầng vì lợi ích cộng đồng. Bị cáo Lan chia sẻ: “Tham ô tài sản nghe kinh khủng lắm. Bị cáo thấy xấu hổ nếu bị buộc tội này”.
VKS giữ nguyên quan điểm
Trước những lời bào chữa của bị cáo Lan cùng các luật sư, đại diện VKSND Cấp cao tại TP HCM khẳng định vẫn giữ nguyên quan điểm về hành vi phạm tội của bị cáo này. Đại diện VKS nhấn mạnh với vai trò là cổ đông lớn, chiếm 91,5% cổ phần và quyền hạn cao nhất tại SCB, bị cáo Lan đã chỉ đạo, bố trí các bị cáo khác như Đinh Văn Thành, Võ Tấn Hoàng Văn, Trần Thị Mỹ Dung (các cựu lãnh đạo, cán bộ cao cấp của SCB) thực hiện hành vi phạm pháp, rút tiền từ SCB phục vụ cho mục đích cá nhân, gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngân hàng này.
Dù luật sư cho rằng hành vi của bị cáo chỉ là “đảo nợ” nhưng VKS khẳng định số tiền vay đã được sử dụng cho nhiều mục đích cá nhân như mua dự án, chi tiêu và đã rời khỏi sự kiểm soát của ngân hàng. Quá trình điều tra cũng xác định 84% trong 1.169 tài sản bị kê biên được mua sau năm 2012, trùng thời điểm bị cáo phạm tội.
Theo hồ sơ vụ án, trong tổng số 1.284 khoản vay tại SCB, nhóm của bị cáo Lan chiếm tới 93% tổng nợ gốc, trong đó phần lớn là nợ nhóm 5, tức là những khoản nợ không có khả năng thu hồi. Để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, bị cáo Lan đã thành lập các pháp nhân, nhờ người đứng tên hộ để vay vốn. Các hồ sơ vay vốn đều là giả mạo, tài sản bảo đảm được nâng khống giá trị và tiền giải ngân sau đó được bị cáo Lan chiếm đoạt.
VKS khẳng định hành vi phạm tội của bị cáo Lan xuyên suốt, kéo dài và có tác động nghiêm trọng đối với SCB cũng như nền kinh tế quốc gia. Vì vậy, VKS khẳng định việc xử lý hình sự đối với bị cáo Lan, đặc biệt là mức án tử hình, là hoàn toàn phù hợp với tính chất, mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội mà bị cáo gây ra.
Theo VKS, trước ngày 1-1-2018, do quy định pháp luật không có tội “Tham ô tài sản” trong doanh nghiệp tư nhân, hành vi của bị cáo Lan chỉ cấu thành tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”. Sau khi Bộ Luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực từ ngày 1-1-2018, hành vi của bị cáo Lan đã đủ yếu tố cấu thành tội tham ô tài sản, khi bị cáo đã chỉ đạo một số bị cáo khác vận chuyển một phần tiền giải ngân về chỗ ở, chỗ làm việc của mình để sử dụng. VKS nhấn mạnh nếu gộp hai giai đoạn lại, tổng số tiền mà bị cáo Lan chiếm đoạt sẽ tăng lên rất nhiều, gây bất lợi cho bị cáo.
Bên cạnh đó, VKS cũng đề nghị HĐXX ghi nhận những nỗ lực của bị cáo trong việc khắc phục hậu quả như việc đưa các dự án vào để đền bù thiệt hại, khai báo thành khẩn, không kêu oan và huy động người thân, đối tác tham gia khắc phục hậu quả, cũng như việc chủ động thi hành án…
Tuy nhiên, VKS nhấn mạnh rằng hậu quả của vụ án là rất nghiêm trọng, với số tiền tham ô lớn chưa từng có trong lịch sử tố tụng, chưa thể xác định được khi nào mới có thể khắc phục hết. Hành vi phạm tội của bị cáo đã ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều lĩnh vực trong xã hội, đặc biệt là thị trường tài chính và nền kinh tế.
Có căn cứ xem xét giảm án?
Về quan điểm của luật sư cho rằng đủ cơ sở để xem xét giảm án tử hình cho bị cáo Trương Mỹ Lan, đại diện VKSND Cấp cao tại TP HCM đã đưa ra lập luận phản biện. Theo VKS, căn cứ Bộ Luật Hình sự hiện nay, người bị kết án tử hình về tội “Tham ô tài sản” nếu chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản, hợp tác tích cực hoặc lập công lớn, có thể được xem xét để giảm án tử hình. Tuy nhiên, việc xem xét giảm án sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như quá trình thi hành án, đặc biệt là sự hợp tác của bị cáo Lan với SCB… Do đó, VKS nhấn mạnh quyết định cuối cùng thuộc về HĐXX.